Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Kỹ thuật trồng bầu hồ lô

Phan Xuân Trường
Mình muốn trồng một giàn bầu hồ lô ở trong vườn cho đẹp nhưng không biết phải làm như thế nào? Các bạn có thể hướng dẫn cho mình không? Thanks
-------------

Bạn Phan Xuân Trường thân mến !

Nói là chỉ dùm thì mình không dám, nhưng mình có ít kinh nghiệm muốn chia sẻ với bạn về kỹ thuật trồng bầu hồ lô. Tuy chưa trồng lâu năm, nhưng đã trải qua 3 mùa trồng bầu hồ lô làm cảnh nên mình có tí chút cái gọi là...kinh nghiệm. Vậy xin chia sẻ với bạn.


Trước tiên nói về giống bầu: Hiện nay theo mình được biết thì giống bầu của người dân tộc dễ trồng hơn, cây cho quả thời gian dài hơn, tuy nhiên q ủa lại to nên làm kiểng thì không đẹp nhưng để đựng rượu thì...tuyệt. Giống bầu do công ty Trang Nông cung cấp thời gian thu hoạch ngắn, cây mau cho quả nhưng cũng chóng tàn, q ủa nhỏ để trang trí rất đẹp. Nếu bạn chưa có giống bầu của công ty Trang Nông thì ghé qua khu Ông Tạ - Sài Gòn hỏi mua.


Kỹ thuật trồng:

+ Chuẩn bị bầu ương: đất tơi xốp trộn thêm Chế Phẩm Nấm Trichoderma (xử lý nấm hại rễ và kích thích mau nảy mầm), gieo hai hạt cho một bầu đất, độ sâu khoảng 2cm. Nếu là giống của Trang nông thì khoảng 2 tuần hạt sẽ nhú mầm. Giống của dân tộc thì lâu nảy mầm hơn.
+ Giàn bầu: Nên dùng các cây họ tre làm giàn, dùng dây thép căng ô vuông thì chắc chắn hơn nhưng lại làm tổn thương dây bầu nên không tốt. Các cây ngang dọc cách nhau 20cm là vừa.
+ Trồng: sau khi cây bầu hồ lô cao khoảng 20cm thì mang ra trồng được. Hố đất đào 60x60x60 (cm) là được. Dùng phân chuồng trộn với đất theo tỷ lệ 30 phân chuồng 70 đất. Cần nhẹ nhàng dùng dao sắc cắt bầu đất và tiến hành trồng bình thường. Nên nhớ, rễ cây bầu hồ lô rất nhạy cảm, bạn nên nhẹ tay để bầu đất không vỡ ra.
+ Chăm sóc: tỉa bớt nhánh phụ. Nếu bạn trồng với mục đích lấy trái làm cảnh thì để bao nhiêu trái cũng được (trái sẽ rất nhỏ nếu để cây nuôi nhiều trái), nếu bạn muốn dùng làm đồ đựng nước hoặc ăn thì nên tỉa bớt trái đi nha.
+ Thuốc: Bạn nên pha Chế phẩm Nấm Trichoderma với nước để tưới vào gốc để hạn chế nấm bệnh (vào mùa mưa, còn mùa nắng thì không cần lắm, nếu có thì...càng tốt). Nên phun Phân bón lá Ba Lá Xanh để cây cho năng suất cao.

Nếu bạn cần thêm thông tin thì liên hệ với mình, địa chỉ mail:
quang_thuy1080@yahoo.com
Chúc bạn thành công !

quangthuy80 quangthuy80 is offline
Nhà nông nghiệp dư


------------------


Kỹ thuật trồng bầu

Dạng tài liệu : Bài trích bản tin
Ngôn ngữ tài liệu : Tiếng Việt
Tên nguồn trích : Nông thôn đổi mới
Đề mục :
Từ khoá : kỹ thuật trồng bầu bầu nậm bầu sao
Nội dung
Trong nhân dân thường trồng 2 loại hình bầu: Bầu nậm và bầu sao
Thời vụ gieo trồng bầu là tháng 10 đến tháng 12. Bầu cho thu hoạch vào tháng 4 và 5. Trước khi gieo hạt cần bón phân lót vào hốc. Mỗi hốc bón 10 - 15kg phân chuồng hoai mục trộn với 100g supe lân. Sau khi cho phân vào hốc, lấp đất lên trên rồi gieo trên lớp đất mỗi hốc 4 - 5 hạt bầu. Khi cây mọc lên tỉa bớt những cây nhỏ yếu, chỉ để lại mỗi hốc 2 cây. Cũng có thể gieo hạt bầu ở vườn ươm để tiện chăm sóc và chống rét cho cây con. Khi cây có 4 - 6 lá thật thì đánh bầu đem ra trồng vào hốc đã chuẩn bị sẵn như trên.
Sau khi cây mọc cần chú ý tưới đủ nước, giữ cho đất luôn ẩm cho cây con mọc tốt. Khi cây có 1 - 2 lá thật cần tỉa bớt những cây nhỏ yếu hoặc bị bệnh. Đặc biệt lúc bầu ra hoa, ra quả rộ cần đảm bảo đủ cho cây. Lúc này cần giữ cho đất có 70 - 80% độ ẩm đồng ruộng.
Bộ rễ bầu tuy phát triển nhiều, nhưng lại ăn nông, cho nên phải xới xáo nhiều lần để đất tơi xốp, thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho rễ hoạt động, tăng cường thêm khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Sau khi cây bầu có 4 - 6 lá thật, cần tiến hành vun nhẹ đất vào gốc kết hợp với đất và tưới 1 lượt nước phân pha loãng để cây bốc nhanh. Khi bầu ra hoa, tiến hành vun gốc cao và đắp đất cho bầu. Nếu gặp khô hạn hoặc gió tây có thể dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc rồi tưới một lượt nước thật đẫm để giữ cho gốc bầu được ẩm lâu.
Cần làm giàn cho bầu leo. Giàn bầu có thể làm trên mặt ao hoặc trước sân nhà. Giàn cao khoảng 2m, làm thành một mặt bằng trên các cọc chống. Mặt bằng rộng hay hẹp tùy số cây được trồng ở các hốc. Để bầu có thể mọc khỏe, lâu tàn và cho nhiều quả, trước khi bắt dây bầu cho leo lên giàn, nên bới đất ở gốc đặt dây bầu cho nằm lên mặt đất thành 1 vòng tròn như miệng thúng rồi lấp đất lên. Chú ý không lấp mất ngọn bầu. Trên mặt giàn cần bắt dây ngọn bầu để dây phân bố đều ra các hướng.
Bón thúc cho bầu vào các thời kỳ sau:
Khi cây có 4 - 6 lá thật. Khi cây có hoa, để cho cây bầu bò lên giàn nhanh. Khi ra quả rộ, để phát triển nhanh, chống rụng quả nông dân thường hòa nước phân tưới vào gốc cho bầu. Sau khi hoa tàn khoảng 15 - 20 ngày là có thể hái quả được. Lúc này vỏ quả bầu còn non, nhưng trông quả đã căng da bóng. Nếu muốn cất để dành thì phải để quả già hơn, khi vỏ quả đã hơi cứng, trong vỏ quả đã tích lũy chất sừng. Lúc đó hái quả xuống thái thành lát, phơi khô, cất vào chum, vại để ở chỗ khô ráo, dành để ăn dần.
Nếu muốn để làm giống thì chọn các quả ở gốc cây thuộc lứa thứ nhất hoặc lứa thứ hai. Lựa quả to, đẹp, đều, làm quang treo giữ quả trên giàn cho đến khi dây bầu héo, vỏ quả chuyển sang màu vàng. Dùng dao cắt cả cuống mang về phơi tiếp cho thật khô. Sau đó treo vào bếp hoặc chỗ khô ráo, đến mùa lấy hạt đem gieo.
Nguồn: Sổ tay người trồng rau, NXB Hà Nội, 2002, tr. 65 - 67

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét